Nửa năm qua,ếkhócủamôhìnhhộpngủởSàiGòmáy tính dell Đức Phú, 20 tuổi, sinh viên năm hai ở "hộp ngủ" tại ngôi nhà 5 tầng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh. Căn phòng rộng khoảng 40 m2 được chia ra 30 chỗ ngủ, hai tầng, lên xuống bằng cầu thang, ở giữa lối đi rộng 30 cm.
Với chi phí thuê 2 triệu đồng mỗi tháng đã bao tiền điện nước, gửi xe, wifi, Phú xem đây là khoản chi tiêu vừa túi tiền dù gặp nhiều bất tiện khi phải sinh hoạt chung với người lạ. Khoảng 20 người phải chờ tới lượt dùng toilet, máy giặt đồ dùng chung.
Theo Phú, nếu thuê căn trọ rộng khoảng 15 m2 gần đó phải trả hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, thêm tiền điện, nước, wifi, đổ rác sẽ gấp đôi số tiền ở đây. Do thường xuyên đi học, làm thêm đến 20h mới về, nam sinh viên xem căn phòng chỉ là nơi ngủ, học bài, không cần nhiều không gian.
"Tôi ở hộp ngủ thì bố mẹ đỡ phải gửi tiền hàng tháng. Chịu khó sống như vậy vài năm, sau này ra trường đi làm đổi nơi khác", Phú nói.
Hộp ngủ (sleep box) ban đầu là dịch vụ tại sân bay, để khách nghỉ ngơi, làm việc thời gian chờ máy bay. Tuy nhiên, từ năm 2021 mô hình này nở rộ tại TP HCM. Hiện chưa có thống kê số lượng, nhưng trên các trang rao vặt nhà đất, khách dễ tìm dạng phòng này ở trung tâm lẫn vùng ven, giá thuê 1,8-2,2 triệu đồng mỗi tháng.
Một số người nắm bắt nhu cầu đã phát triển loại hình này theo chuỗi. Ông Vũ Quốc Tuấn, hiện vận hành gần 11 cơ sở với khoảng 200 "hộp ngủ" tại nhiều quận ở TP HCM, cho biết từ giữa năm 2021 đã đưa mô hình do mình thiết kế đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo thiết kế của ông Tuấn, các phòng 2,2 m2 được làm như ký túc xá, ngăn vách bằng tấm alu (hợp kim nhôm và nhựa) vân gỗ để chống cháy, giường ngủ đặt trên khung bằng thép để đảm bảo an toàn điện, cháy nổ. Phòng rộng 15-30 m2 sẽ ngăn thành 6-10 nơi ở nhỏ.
Mỗi phòng có ổ cắm điện, nhưng chỉ dùng cho điện thoại, laptop, khi quá tải hệ thống tự ngắt. Các đồ dùng sinh hoạt chung như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo được để khu vực riêng. Hiện chuỗi phòng này có tỷ lệ lấp đầy lên đến 90%.
"Một chuỗi 20 phòng chi phí đầu tư hết chừng 200 triệu đồng tính cả mua sắm máy giặt, máy sấy, bếp dùng chung và tiền thuê nhà. Nếu tỷ lệ lấp đầy phòng từ 80% trở lên thì khoảng 3 năm sẽ có lãi", ông Tuấn nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife), nhu cầu phòng thuê giá rẻ tăng cao khi kinh tế khó khăn. Thống kê của viện này, người lao động bỏ ra 15% tổng thu nhập hàng tháng cho tiền thuê nhà. Do đó "hộp ngủ" là sự lựa chọn phù hợp cho người độc thân và sinh viên.
Tuy nhiên, mô hình này lại bị cho thiếu an toàn, nhất là ở khâu phòng cháy, chữa cháy khi đoàn liên ngành kiểm tra hàng loạt chuỗi "sleep box" tại TP HCM mới đây. Đáng chú ý tại căn 5 tầng ở quận Bình Thạnh làm 125 hộp ngủ, chủ nhà không làm lối thoát hiểm, hệ thống PCCC, xây sai phép.
Quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành đánh giá kiểu nhà ở tập thể này là mô hình mới nhưng thiết kế sơ sài, thường cầu thang thông từ dưới hầm để xe lên các tầng, khi xảy ra cháy khói lan lên phía trên rất nhanh. Trong khi lối đi lại rộng chưa đến một mét, người gặp nạn dễ mắc kẹt, khó thoát ra ngoài.
Còn theo đại diện Phòng Thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy (Cục PCCC, Bộ Công an), "hộp ngủ" được xây tự phát từ nhà ở riêng lẻ, chưa có quy định về PCCC nên khó khăn trong quản lý, kiểm tra. Phòng rộng 20-30 m2 chứa hàng chục người, không có lối thoát nạn và hệ thống chữa cháy, khi xảy ra hỏa hoạn rất nguy hiểm.
Ngoài ra các phòng nhỏ lại ngăn vách gỗ sát nhau, ổ cắm điện lắp vào vách, cộng với nệm, gối, quần áo, sách vở là vật liệu dễ cháy khi xảy ra chập điện, lửa bùng phát rất nhanh. Chưa kể lúc hoả hoạn điện bị ngắt, không còn ánh sáng, lối đi lại chật hẹp, nhiều chướng ngại vật như cầu thang, người ở mất nhiều thời gian tìm lối thoát.
Bà Lê Bích Trang, Giám đốc Công ty Hoàng Quân Phát, chuyên tư vấn, thiết kế xây dựng về lĩnh vực PCCC, cho rằng dạng "hộp ngủ" hiện chỉ phù hợp với nhà ga, sân bay có không gian rộng rãi. Vì vậy để duy trì mô hình này, chủ đầu tư cần phải đảm bảo về chữa cháy, báo cháy, diện tích công trình, lối thoát nạn.
Theo bà Trang, trong trường hợp Việt Nam chưa có quy định, đơn vị quản lý có thể ứng dụng tiêu chuẩn nước ngoài để xét duyệt PCCC. Bà dẫn chứng quy định về lắp kệ hàng cao trên 5,4 m tại các cửa hàng, nhà kho đã cho phép cập nhật một số quy chuẩn của Nga và Mỹ để thiết kế, thẩm duyệt.
"Hộp ngủ đang nở rộ tại TP HCM nhưng lại là mô hình cũ ở nhiều nước. Cơ quan chức năng có thể linh động vận dụng tiêu chuẩn từ những nơi đi trước để áp dụng đưa ra yêu cầu chung", bà Trang nói.
Ông Vũ Quốc Tuấn, chủ hàng loạt chuỗi sleep box, đề xuất cần có quy chuẩn chung về "hộp ngủ" dựa trên ký túc xá, vì mô hình này cũng kiểu giường tầng nhưng có thêm cửa, vách ngăn. Khi xây dựng chủ nhà cần dùng vật liệu chống cháy, hệ thống điện tự ngắt khi quá tải, hành lang, lối thoát hiểm đảm bảo an toàn...
Đình Văn